Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh là một điểm đến hấp dẫn cho ngày 30/4 hằng năm. Nơi đây trưng bày vô số những tài liệu, hiện vật và tư liệu theo chủ đề khác nhau. Vì vậy đây cũng là nơi giúp cho du khách hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Hãy cùng Caztus House khám phá thêm về bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh qua bài viết này nhé!
Giới thiệu về bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng vào năm 1885 dựa trên bản thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux. Sau khi hoàn thành, bảo tàng liên tục bị thay tên đổi chủ và đổi mục đích sử dụng. Năm 1978, tòa nhà này được Ủy ban nhân dân TP.HCM đổi tên lại thành Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, vào ngày 13/12/1999, bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho tới ngày nay.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích là 1.700 mét vuông. Bao gồm hai tầng của toà nhà chính và khối nhà. Kiến trúc của Bảo tàng mang phong cách cổ điển – hiện đại. Đồng thời kết hợp các kiến trúc cổ của Âu và châu Á. Điều đặc biệt ở Bảo tàng chính là không gian cổ kính, trầm mặc với chiếc xe cổ màu đen sáng bóng và khẩu pháo lớn. Bảo tàng này hiện nay là nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hoá quý báu của thành phố.
Địa chỉ: số 65 Lý Tự Trọng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ tham quan và giá vé:
Giờ hoạt động: 7h30 – 17h00 từ thứ 2 cho đến chủ nhật.
Giá vé: 30.000 VNĐ/người.
Nếu bạn là học sinh, sinh viên bạn sẽ được giảm vé còn 15.000 VNĐ/người. Do đó, hãy nhớ đem theo thẻ học sinh, sinh viên để có mức giá rẻ nhất!
Lưu ý: Giá vé trên sẽ không còn áp dụng vào những ngày thứ 7 và chủ nhật.
Khám phá các khu trưng bày bên trong bảo tàng
Hiện nay, bảo tàng có đến 9 phòng trưng bày với đa dạng các chủ đề khác nhau. Bao gồm từ lịch sử cho đến nghệ thuật. Mỗi phòng được thiết kế với kiến trúc và cách bố trí khác nhau, tạo nên sự độc đáo và thú vị cho người tham quan. Ngoài ra, bảo tàng cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, triển lãm tạm thời và các chương trình giáo dục, thu hút đông đảo du khách.
Phòng Thiên nhiên và khảo cổ
Du khách sẽ được tham quan về vị trí địa lý, địa chất, khoáng sản, địa hình, khí hậu, động vật, thực vật. Bên cạnh đó là hệ thống sông ngòi của Việt Nam cách đây 2000 năm trước. Ngoài ra, khách sẽ được chiêm ngưỡng các công cụ lao động cổ đại như rìu đá, cuốc đá, trang sức và đồ minh khí. Bên cạnh đó là hình thức mai táng tại các di tích khảo cổ như Bến Đò, Gò Sao, Rỏng Bàng, Gò Cát… và các di tích nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phòng Địa lý và Hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Khu vực này cung cấp một cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Từ lúc nó chỉ là một đô thị quy hoạch cho 50.000 dân đến khi trở thành một trong những thành phố lớn nhất của Việt Nam với hơn 6 triệu dân. Bản đồ cổ được lập từ các thế kỷ trước đã cho thấy mạng sông rạch đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của thành phố.
Phòng Thương cảng, Thương mại và Dịch vụ
Căn phòng giới thiệu khái quát về vai trò kinh tế của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này có chứa hơn 527 hiện vật, 36 ảnh và 10 bản đồ. Bao gồm các hệ thống cảng Sài Gòn, các khu chợ, bến xe, ga tàu hỏa, sân bay…
Phòng Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp
Trưng bày về nghề thủ công truyền thống và công nghiệp tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Trưng bày gần 300 hiện vật và hình ảnh về các nghề gốm, đúc đồng, kim hoàn, dệt, chạm khắc gỗ… Ngoài ra, căn phòng này còn trưng bày các cơ sở công nghiệp đầu tiên, các khu công nghiệp tập trung giai đoạn 1954 – 1975 và các khu công nghệ cao hiện nay.
Phòng Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Đây là phòng trưng bày các tư liệu về chữ quốc ngữ và các báo chí đầu tiên được xuất bản. Ngoài ra, còn trưng bày các tập tục đám cưới truyền thống của người Việt, Chăm, Hoa và Khmer cùng với các hiện vật về ăn trầu và tín ngưỡng.
Phòng Đấu tranh cách mạng 1930 – 1954 và Phòng đấu tranh cách mạng 1954 – 1975
Cả hai căn phòng đều trưng bày các hiện vật, di vật đã đồng hành cùng với các chiến sĩ, cán bộ trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Bên cạnh đó là các sự kiện lịch sử tiêu biểu đã diễn ra trong hai cuộc đấu tranh này.
Phòng kỷ vật kháng chiến
Trưng bày các hiện vật, di vật của các chiến sĩ trong 30 năm kháng chiến. Bao gồm các nhóm hiện vật như di vật của liệt sĩ trinh sát Trung đoàn Gia Định, trang bị cá nhân của các chiến sĩ Trường Sơn. Ngoài ra còn có máy ảnh và máy quay phim của phóng viên chiến trường, kỷ vật trong tù của các chiến sĩ cách mạng và mô hình bếp Hoàng Cầm.
Phòng Tiền Việt Nam
Cuối cùng là phòng trưng bày về các bộ sưu tập tiền kim loại, tiền giấy, tiền thưởng qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Khu vực này có đến hơn 1086 hiện vật. Cùng với đó là các hình ảnh liên quan đến công đoạn đúc tiền từ thời phong kiến.
Bên ngoài khuôn viên bảo tàng
Ngoài ra, du khách còn dễ dàng bắt gặp rất nhiều các loại vũ khí và phương tiện chiến đấu trưng bày bên ngoài bảo tàng. Trong đó bao gồm các khẩu pháo lớn, súng thần công, máy bay, trực thăng, xe tăng…
Một số lưu ý khi tham quan bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
- Không chạm vào các hiện vật, không ghi chép hoặc vẽ tại nơi trưng bày.
- Nên mặc quần áo và giày thoải mái, đơn giản để di chuyển dễ dàng trong phòng trưng bày.
- Bảo tàng có cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên cho du khách có nhu cầu.
- Du khách không mang đồ ăn thức uống vào bảo tàng.
- Giữ gìn vệ sinh chung và không gây ồn ào khi tham quan.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm đến thú vị để tìm hiểu về lịch sử của thành phố. Đây là cơ hội để bạn tìm hiểu lại những thành tựu của dân tộc Việt Nam trong quá khứ. Đồng thời nhận thức thêm về tinh thần đấu tranh và hy sinh của những người con của đất nước. Hãy đến tham quan Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp 30/4 này nhé!
Coco