Đã 48 năm kể sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tuy vậy, những giá trị huyền thoại về con người, lịch sử vẫn ngân vang. Tháng 4 năm nào cũng là thời điểm tấp nập người đổ về các di tích lịch sử ở thành phố mang tên Bác. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ những kỷ vật về thời khắc lịch sử của Việt Nam. Mời bạn theo chân Caztus House cùng hòa vào dòng người tham quan bảo tàng này nhé!
Giới thiệu về Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh là loại hình Bảo tàng Lịch sử Quân sự của nước ta. Được xây dựng vào đầu thế kỷ XX với tiền thân nhà sinh hoạt của binh lính Pháp. Sau 1967 được sử dụng như Trường Cao đẳng Quốc phòng thời Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1987, nơi đây được xây dựng lại thành Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mãi đến năm 2020, Bộ Quốc Phòng quyết định nâng cấp nơi đây thành một bảo tàng độc lập dưới sự quản lý của Quân khu 7. Từ tháng 1/2021, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh mở cửa đón tiếp du khách tham quan.
Bảo tàng gồm hai khu trưng bày chính là trong và ngoài nhà. Khu trưng bày ngoài nhà là bộ sưu tập các loại vũ khí, mô hình phương tiện sử dụng trong chiến tranh. Khu trong nhà là nơi tổng hợp các hiện vật, tài liệu gốc về những sự kiện giàu giá trị lịch sử.
Giá vé và giờ tham quan Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh
Địa chỉ: số 2 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giờ mở cửa: tham quan tự do trừ Thứ 7 và Chủ nhật.
Giá vé: Miễn phí.
Khám phá khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng
Từ cổng chính bước vào, bạn có thể thấy rất nhiều mô hình chiến đấu đã từng được dùng trong chiến tranh. Đầu tiên phải kể đến là mô hình chiếc xe tăng đã tham gia vào sự kiện giải phóng 1975.
Tiếp theo là chiếc máy bay F5 đã từng ném bom vào Dinh Độc Lập. Chắn hẳn bạn vẫn nhớ câu chuyện về người chiến sĩ quả cảm Nguyễn Thành Chung. Ông là một sỹ quan tình báo của ta hoạt động trong Không lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tiếp tục cuộc hành trình ngoài trời là bộ sưu tập xác máy bay của địch bị ta bắn rơi trong chiến dịch. Phần xác máy bay này như một chứng tích sống động về sự kiên cường chống giặc của Việt Nam.
Đến gần hơn với cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975
Bước chân vào Bảo tàng, điểm đặc biệt đầu tiên đó là sa bàn điện có diện tích 60m2. Sa bàn này được đặt tại vị trí trung tâm và dùng để mô phỏng lại những ngày cuối của chiến dịch Sài Gòn. Khi màn hình thuyết minh trình chiếu, đó là lúc sa bàn hoạt động. Hệ thống đèn sẽ nhấp nháy theo hướng tiến quân, trùng với giọng đọc trên màn hình.
Nhìn về hướng đối diện là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây cũng là điểm checkin yêu thích của các du khách khi có dịp ghé thăm bảo tàng.
Các hiện vật, tài liệu trong bảo tàng được chia thành 6 chuyên đề. Mỗi chuyên đề này được bày trí ngắn gọn nhưng đủ để người xem cảm nhận được sự nỗ lực hào hùng của toàn Đảng toàn dân trong thời chiến. Theo chân Caztus để khám phá từng chuyên đề nhé!
Từ Hiệp định Paris đến chiến thắng Phước Long
Đây là giai đoạn mở đầu và cũng được xem là ngoan cường nhất của Việt Nam. Sau khi hiệp định Paris được ký kết, Mỹ đồng ý rút quân khỏi miền Nam. Tuy vậy, Mỹ vẫn viện trợ nguồn lực cho chính quyền Sài Gòn. Thế nhưng, nhìn chung tình hình vẫn diễn biến theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1974 đầu 1975, chiến thắng Phước Long đã cho thấy sự yếu thế của Ngụy quân và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam.
Chiến dịch Tây Nguyên
Mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là chiến dịch Tây Nguyên. Sự kiện này bắt đầu từ ngày 4/3 đến ngày 3/4/1975. Khởi điểm là cuộc chiến đánh chiếm lại thành phố Buôn Ma Thuột then chốt ở Tây Nguyên. Sau đó, liên tiếp các sự kiện tấn công bất ngờ của ta vào địch là nguyên nhân cho sự từ chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại chuyên đề này, bạn sẽ được nhìn ngắm lại cả quá trình kiên cường của ông cha ta.
Chiến dịch Huế – Đà Nẵng
Đây là một trong các chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 5/3 đến 29/3/1975, hay nói cách khác là sau chiến dịch Tây Nguyên 1 ngày.
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Với tên ban đầu là chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, chiến dịch Hồ Chí Minh là cuộc chiến cuối cùng của dân tộc ta. Từng kỷ vật đều được lưu giữ một cách cẩn thận. Từng ghi chép, tài liệu đều được bảo quản và giữ gìn. Bên cạnh đó, các loại vũ khí khi xưa mà quân đội ta dùng cũng được trưng bày tại chuyên đề này.
Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh
Để làm nên thành công của cuộc chiến, ban chỉ huy đã luôn góp một vai trò không nhỏ. Tham quan phòng chuyên đề này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về quy mô chiến lược và tổ chức của bộ chỉ huy, ban lãnh đạo Việt Nam thời chiến.
Chế độ Ngụy quyền miền Nam sụp đổ
Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Thời khắc này, một Việt Nam độc lập, tự chủ, thống nhất đã ra đời sau nhiều năm bị cai trị. Bên cạnh chiến thắng đó là sự sụp đổ của chế độ Ngụy quyền miền Nam. Tại phòng trưng bày này, bạn sẽ thấy được toàn bộ hiện vật, tài liệu cùng những tội ác của Mỹ – Ngụy gây ra cho nhân dân ta.
Những ngày cuối tháng 4 là lúc cảm xúc bồi hồi về ngày chiến thắng luôn hiện diện rõ ở mỗi người dân Việt Nam. Bởi lẽ đó, các di tích lịch sử luôn là điểm tham quan yêu thích mỗi dịp tri ân lịch sử này. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ có cho mình một kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ sắp tới. Đừng quên theo dõi Caztus House để cập nhật thêm nhiều tin tức thú vị về du lịch bạn nhé!
Melon