Việt Nam được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh quan trù phú. Đây là điều thu hút với nền du lịch kể cả trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, sự vô ý thức của một bộ phận người dân khiến cho môi trường xung quanh đang dần xấu xí. Đó chính là nạn xả rác bừa bãi và phá hoại cảnh quan thiên nhiên. Dù rằng nhiều điểm du lịch đã tích cực tuyên truyền, cũng như vận động mọi người. Nhưng hiện nay, thật không khó khi ta vẫn thấy vấn nạn này còn tồn tại nhiều nơi.
Sự vô ý thức luôn là nguyên nhân
Một địa điểm du lịch đang khá HOT hiện nay đó là đảo Phú Quý. Lượng khách đổ về nhiều vì yêu thích vẻ đẹp hoang sơ cùng dòng nước biển trong veo. Nhưng sau đó, các bài chia sẻ hình ảnh đảo trở nên ngập rác ngày càng nhiều. Thật không khó để nhận ra vấn đề hoàn toàn do con người.
Tại các khu du lịch nhân tạo, lượng khách vào đây vẫn hay vô ý xả rác hoặc làm bẩn xung quanh. Nhiều nơi vẫn phản ánh về tình trạng viết, vẽ bậy lên tường. Những điểm đến này thường có nhân viên chăm sóc nên ít nhiều cũng khắc phục được. Theo thông tin của một số đơn vị, chi phí bảo dưỡng cũng như nhân viên làm giảm khá nhiều lợi nhuận hàng năm của họ.
Với những điểm vắng vẻ, hoang sơ, du khách khi tham quan luôn đem theo thức ăn, nước uống. Đa số chúng đều được đựng trong chai lọ, túi nilon, hoặc túi nhựa khó phân huỷ. Đoạn đường di chuyển đến những điểm này thường khó đi, do đó lúc quay về, rác thải là thứ hay được để lại. Điều đáng nói, tất cả mọi người thường biết được rằng hành vi như vậy là không đúng, nhưng vẫn tiện tay vứt bừa bãi. Một số nơi còn xuất hiện tình trạng phá hoại làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh. Nổi cộm một thời gian là tình trạng bắt sao biển để chụp ảnh tại Phú Quốc.
Chế tài là chưa đủ
Không giống như một số quốc gia trong khu vực. Việt Nam gần như là nước có mức phạt khá thấp với những hành vi này. Tại Singapore, hành vi phá hoại hoặc vứt rác bừa bãi có thể bị phạt tù hoặc cấm nhập cảnh. Nước ta thường chọn cách phạt tiền hoặc nặng hơn là khắc phục hiện trạng. Có thể thấy, mức phạt chưa đủ sức răng đe, từ đó khiến người dân trở nên không quan tâm đến hành vi của mình.
Ngoài ra, đa số các mức phạt là dành cho cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành. Nếu đối tượng là khách du lịch tự túc thì tuỳ địa điểm sẽ có mức xử lý khác nhau. Luật pháp Việt Nam cũng chưa quy định rõ ràng về những hành vi gây tác hại đến cảnh quan thiên nhiên. Những nơi không có cơ quan quản lý sẽ rất khó phát hiện hành vi không tốt của du khách. Với những khu như suối hoang, thác hoang,… người dân có thể vào đây và vô tư xả rác mà không sợ bị nhìn thấy.
Cần có sự chung tay của tất cả mọi người
Nhìn chung, việc yêu cầu tất cả mọi người phải có ý thức trong việc giữ gìn cảnh quan là khá khó. Dù rằng các hành động này chỉ đến từ số ít người dân. Tuy nhiên, hậu quả của nó làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam bị xấu đi. Một số việc làm gây hại sẽ khiến nơi đó mất khoảng thời gian khá dài mới có thể phục hồi. Với những địa danh tự nhiên, tác động đến môi trường là vô cùng lớn. Những nơi như động Phong Nha chỉ cần bẻ thạch nhũ cũng mất nhiều năm để hình thành lại.
Hiện nay, nhiều tổ chức và đội nhóm được lập nên tại các điểm du lịch. Mục đích hoạt động nhằm dọn dẹp, phục hồi, trả lại cảnh quan cho môi trường. Các đơn vị này được mọi người đánh giá là tích cực và hiệu quả. Một số minh chứng là chiến dịch làm sạch biển từng được tổ chức tại Vũng Tàu. Nhưng để tình hình thật sự được cải thiện thì cần có sự góp sức từ nhiều người.
Kết
Có thể nói để ngành du lịch Việt Nam phát triển thì giữ gìn cảnh quan là điều hết sức quan trọng. Do đó, sự đồng hành từ chính du khách là điều cấp bách trong vấn nạn này. Nhưng khắc phục chúng cũng không quá khó. Chỉ cần chúng ta nâng cao ý thức về việc gìn giữ môi trường khi đi du lịch. Ngoài ra, địa phương cũng cần có sự quản lý với địa điểm tự nhiên của mình. Nếu ta làm được như vậy, không lâu nữa du lịch Việt sẽ càng thu hút hơn.
#peacesilver